Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Khu di tích lịch sử Đền Hùng

  Khu di tích lịch sử Đền Hùng
"Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3"
    Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích - xã Hy Cương - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ cúng các vua Hùng đã có công dựng nước, tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 90 km. Từ Hà Nội, du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. 
    Đền Hùng là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu - vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ Khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội tụ.
    Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng (còn gọi là núi Cả theo tiếng địa phương hay còn có nhiều tên gọi khác nhau: Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn,…), có độ cao 175 m so với mặt nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam , mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145 m. Ba đỉnh núi: núi Hùng, núi Vặn, núi Trọc theo truyền thuyết là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.
    Toàn khu di tích Đền Hùng xưa kia là rừng già nhiệt đới, đến nay chỉ còn núi Hùng là rậm rạp xanh tươi với 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn sót lại một số cây đại thụ như chò, thông, lụ,…và một vài giống cây cổ sơ như kim giao, thiên tuế,..
    Từ chân núi, du khách sẽ được chiêm ngưỡng lần lượt các di tích kiến trúc như:
    1.       Cổng đền
    2.       Đền Hạ
    3.       Nhà bia
    4.       Chùa Thiên Quang
    5.       Đền Trung
    6.       Đền Thượng
    7.       Đền Giếng
    8.       Đền Tổ Mẫu Âu Cơ
    9.       Bảo tàng Hùng Vương
    Cổng đền

Cổng Đền
    Được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.
    Đền Hạ

Đền Hạ
Tương truyền nơi đây, Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai, nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền đất cũ vào thế kỷ XVII - XVIII. Kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà tiền bái và hậu cung, mỗi toà ba gian, cách nhau 1,5m. Kiến trúc đơn sơ kèo cầu suốt, bẩy gối vào đầu kèo làm cho mái sau dài hơn mái trước. Đốc xây liền tường với đốc Hậu cung, hai bên đắp phù điêu, một bên voi, một bên ngựa. Bờ nóc phẳng, không trang trí mỹ thuật. Mái lợp ngói mũi, địa phương gọi là ngói mũi lợn.
Ngay chân Đền Hạ là Nhà bia với kiến trúc hình lục giác, có 6 mái. Trên đỉnh có đắp hình nậm rượu, 6 mái được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, có 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà bia trước đây đặt tấm bia ghi lại việc tu sửa đường lên núi Hùng, hiện nay đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1945: 
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” 
    Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn cảnh thừa long tự, sau đổi là Thiên quang thiền tự. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. 
    Trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Trước sân chùa có 2 tháp sư hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa. 
    Chùa còn có một gác chuông được xây dựng vào thế kỷ XVII, gồm 3 gian, 2 tầng mái, 4 vì kèo cột kiểu chồng giường kết hợp với bẩy lẻ. Các bẩy lẻ hầu như để trơn không chạm trổ gì. Trên gác chuông có treo quả chuông, không ghi niên đại đúc chuông mà chỉ ghi: “Đại Việt quốc, Sơn Tây dạo Lâm Thao phủ, Sơn Vi huyện, Hy Cương xã, Cổ Tích thôn cư phụng”. Qua đó có thể đoán quả chuông được đúc thời Hậu Lê. 
    Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu)
Đền Trung
    Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và họp bàn việc nước. Nơi đây vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã có công làm ra bánh chưng, bánh dày.
    Đền được xây theo kiểu hình chữ nhất, có 3 gian quay về hướng nam, dài 7,2m, rộng 3,7m. Mái hiên cao 1,8m, không có cột kèo, cầu quá giang gối vào tường, bít đốc tường hậu, phía trước mở 3 cửa. 
    Đền Thượng và Lăng Hùng Vương
Đền Thượng
Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Hùng. Tương truyền rằng thời Hùng Vương, Vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.
Tục truyền đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi, về sau, nhân dân đặt thêm bài vị vua Hùng vào thờ cúng. Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” (Điện cầu trời) còn có tên là “Cửu trùng tiên điện” (Điện giữa chín tầng mây). Trong Đền Thượng có bức đại tự đề “Nam Việt triệu tổ” (Tổ khai sáng nước Việt Nam). Đền được làm kiểu chữ Vương, kiến trúc đơn giản, kèo cầu, không có chạm trổ, được xây dựng qua bốn cấp khác nhau gồm: nhà chuông trống (cấp I), đại bái (cấp II), tiền tế (cấp III) và hậu cung (cấp IV).
    Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom miếu vũ họ Vương. Cột đá cao 1,3m, rộng 0,3m, hình vuông. Đến năm 1968, Ty Văn hoá Vĩnh Phú tôn tạo lên bệ như hiện nay.
Lăng Vua Hùng
    Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông Đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa là mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (1870) cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (1922) trùng tu lại. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắpngói ống, cổ diêm, 3 phía đều đắp mặt hổ phù. Ba mặt Tây, Đông, Nam đều có cửa vòm, 2 bên cửa đều đắp kỳ lân, xung quanh có tường bao quanh, trang trí hoa, chất liệu bằng đá. Trong lăng có mộ Vua Hùng. Mộ xây hình hộp chữnhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: Biểu chính (lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: Hùng Vương lăng (Lăng Hùng Vương).
    Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh) 
Đền Giếng
Tương truyền là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền được xây dựng vào thế kỷ XVIII, theo hướng Đông Nam, kiến trúc kiểu chữ công, gồm nhà tiền bái (3 gian), hậu cung (3 gian), 1 chuôi vồ và 2 nhà oản (4 gian), có phương đình nối tiền bái với hậu cung.
Cổng Đền Giếng được xây vào thế kỷ XVIII, kiểu dáng gần giống cổng chính nhưng nhỏ và thấp hơn. Cổng xây theo kiểu kiến trúc 2 tầng 8 mái. Tầng dưới, giữa có một cửa xây kiểu vòm, hai bên có hai cột trụ trên lắp nghê chầu. Tầng trên giữa cổng có bức đại tự đề: “Trung sơn tiểu thất” (ngôi miếu nhỏ trong núi). Hai bên có đề câu đối và tượng hai võ sỹ. Mặt sau cổng đắp hổ, mỗi con một bên.
    Đền Tổ mẫu Âu Cơ
Đền Mẫu Âu Cơ
    Được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12/2004. Đền được xây dựng trên núi ốc Sơn (núi Vặn) theo kiến trúc truyền thống với cột, xà, hoành, dui bằng gỗ lim, mái được lợp bằng ngói mũi hài, tường bằng gạch bát. Đền chính có diện tích 137m2, làm theo kiểu chữ Đinh. Bên cạnh đền chính có nhà Tả vũ, nhà Hữu vũ, nhà Bia, Trụ biểu, Tứ trụ, cổng Tam quan, nhà tiếp khách và hoa viên. 
    Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá Hải Lựu. 
    Bảo tàng Hùng Vương 
Hiện vật cổ của bảo tàng Hùng Vương
Bảo tàng Hùng Vương được khởi công xây dựng vào năm 1996 và được khánh thành đúng ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Mùi (2003) do Tổng Bí thư Đỗ Mười cắt băng khánh thành. Với gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.
Phần trưng bày của Bảo tàng Hùng Vương được tập trung vào 3 chủ đề chính:
- Giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc.
    - Giới thiệu việc hình thành khu di tích Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích Đền Hùng của nhân dân cả nước.
    - Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay đối với Đền Hùng. 
    Đền Hùng vừa là thắng cảnh đẹp, vừa là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Về với Đền Hùng là về với cội nguồn dân tộc, để tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam!

Lễ hội Trò Trám Phú Thọ – Lễ hội độc đáo có một không Việt Nam

Hàng nghìn người dân xã Tứ Xã và các vùng lân cận đã về xem lễ hội Trò Trám – lễ hội độc đáo của người dân xóm Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được tổ chức hàng năm vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng.
le hoi tro tram Lễ hội Trò Trám Phú Thọ   Lễ hội độc đáo có một không Việt Nam
Lễ hội gồm ba phần chính. Vào đêm 11 tháng Giêng, các trò đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân-bán Xuân và dạy học được trình diễn tại sân miếu Trò. Chính người dân Tứ Xã tham gia diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”, còn gọi là “bách nghệ khôi hài” – một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa 4 nghề chính trong đời sống (sỹ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ.
Hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là lễ mật, mong cho nòi giống sinh sôi, được thực hiện vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) tại miếu Trò.
Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao tuổi trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ (ngày 12 tháng Giêng), cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và rước “nõ nường” – hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước.
Nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm “nõ”; nữ mặc yếm đỏ, váy thâm, đầu vấn khăn, cầm “nường”. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ thủ từ hô ba lần khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc!”. Lúc này, tất cả đèn, nến đều tắt. Sau mỗi câu “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ chạm mạnh “nõ nường” vào nhau. Người xưa quan niệm, hai vật này chạm đúng vào nhau thì năm đó dân làng sẽ gặp nhiều may mắn, sản xuất, chăn nuôi… thu được nhiều thắng lợi.
Xưa kia, sau 3 câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc,” cụ thủ từ sẽ hô to “tháo khoán.” Mọi người hò reo, nam nữ đuổi bắt nhau. Và đêm ấy là đêm của tình yêu. Thanh niên, nam nữ được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng… Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” được làng trọng thưởng.
Ngày nay, lễ hội không còn tục “tháo khoán” chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết nghìn đời của cư dân nông nghiệp.
Sang ngày hôm sau (12 tháng Giêng) là lễ rước lúa “thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra rước đến đền Xa Lộc, nơi thờ vị tướng thời Trần có tên là Phùng Lân Hổ, sau đó tiếp tục rước xung quanh làng.
Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí nhộn khắp cả làng. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tứ Xã cho biết đặc điểm nổi bật của lễ hội Trò Trám là “lễ mật”’, diễn ra vào giờ “lành” lúc nửa đêm. Đó là phút “khởi nguyên” sự sống cho một vòng đời, mong cho mọi người được đông đúc, xã hội ngày càng phát triển phồn thịnh.
Trò Trám và các hoạt động trong lễ hội Trò Trám được khôi phục hoàn toàn vào năm 2000 với nghi lễ truyền thống.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Vẻ đẹp hùng vĩ của vườn Quốc gia Xuân sơn - Phú Thọ

Nằm ở điểm cuối cùng của dẫy Hoàng Liên Sơn, Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vườn quốc gia Xuân Sơn đa dạng sinh thái, đa dạng sinh học cao, đa dạng địa hình kiến tạo nên đa dạng cảnh quan.
vuonquocgiaxuanson Vẻ đẹp hùng vĩ của vườn Quốc gia Xuân Sơn   Phú Thọ
Với tổng diện tích 15.048 ha, vùng đệm 18.639 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.099 ha, Xuân Sơn là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432ha). Theo thống kê ban đầu, Xuân Sơn có 726 loài thực vật bậc cao, hệ thực vật có các loài: re, dẻ, sồi và mộc lan chiếm ưu thế. Ngoài ra, còn có các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như: táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng, kim giao (rừng chò chỉ ở Xuân Sơn là một trong những rừng chò chỉ đẹp và giàu nhất miền Bắc).
Tại đây hiện có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ Thế giới. Các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như: Voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo,… về chim có: gà lôi, gà tiền, đại bàng đất,… riêng sơn dương có nhiều nhất toàn quốc.
Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn quốc gia Xuân Sơn có ba đỉnh núi cao trên 1.000m là: núi Voi, núi Ten và núi Cẩn với hàng trăm hang động; sông suối như: suối Lấp, suối Thang; và nhiều thác nước có độ cao trên 50m, che phủ hang, hốc đá, hoà quyện màu thác bạc với màu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Xuan Son 3 Vẻ đẹp hùng vĩ của vườn Quốc gia Xuân Sơn   Phú Thọ
Do quá trình phong hoá, thuỷ hoá tạo thành Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ.
1148455004796 01 Vẻ đẹp hùng vĩ của vườn Quốc gia Xuân Sơn   Phú Thọ
Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn.
Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh.
4861f852ada9f Vẻ đẹp hùng vĩ của vườn Quốc gia Xuân Sơn   Phú Thọ
Với tiềm năng du lịch to lớn thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch. Xuân Sơn đang là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hội Phết Hiền Quan

Hội Phết Hiền Quan 

Quả Phết được làm bằng gốc tre, sơn son thếp vàng. Do mọi người cùng tranh nhau quả phết, giành lấy may mắn cả năm nên lễ hội diễn ra vui vẻ nhưng vô cùng quyết liệt. VnExpress.net giới thiệu những hình ảnh này của độc giả Hải Thịnh.

Hội Phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức ngày 12 - 13 tháng Giêng tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông (Phú Thọ), cách Hà Nội gần 80 km. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. 

Hội Phết được tổ chức với quy mô ngày càng lớn trong những năm trở lại đây. Đến với lễ hội, du khách được tận hưởng không gian văn hóa đất tổ với điệu hát Xoan mặn mà, quyến rũ hay trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa Hùng Vương như chọi gà, ném phết, làm bánh dày, kéo lửa nấu cơm thi... 

Tục truyền, khi vua Hùng đi qua vùng đất này thấy dân cày cấy cuộc sống yên vui, vua ban cho dân những quả phết bảo rằng treo lên cây cao, giữa có một vòng tròn, ném quả Phết qua đó và nhân dân ai nhặt được qủa phết thì sẽ gặp may mắn cả năm. Cứ như vậy, lễ hội được truyền đến ngày nay. Tuy có nhiều thay đổi song Hội Phết Hiền Quan luôn được coi là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân trong vùng. Năm nay lễ hội thu hút hàng ngàn du khách thập phương.

Hội Phết lớn nhất vào ngày thứ hai của hội lễ, tức13 tháng Giêng. Phết được tổ chức chơi ba ván gọi là ba bàn với lệ khá nghiêm ngặt là lúc nào cũng giữ cho Phết sệt đất. Quả Phết được làm bằng gốc tre, sơn son thếp vàng. Xong một bàn Phết, các đấu thủ chạy vòng vèo trên bãi vài vòng rồi nghỉ trước khi vào bàn Phết sau, có 3 bàn Phết và 3 bàn Dúi. Do mọi người cùng tranh nhau quả phết, giành lấy may mắn cả năm nên Hội Phết diễn ra vui vẻ nhưng vô cùng quyết liệt.

Đám rước của dân làng Hiền Quan.  
Click the image to open in full size.
Khá đông người tới dự hội ở sân đình làng. 

Click the image to open in full size. 
 Tục thi làm bánh dầy, nấu cơm... diễn ra sôi nổi
Click the image to open in full size. 
 Cảnh tế ở nơi thờ Ngọc Hoa Công chúa. Các quả phết sơn đỏ được đặt trên bàn thờ. 
Click the image to open in full size.
 Các thanh niên, trai tráng của làng chuẩn bị cho phần chính hội. Click the image to open in full size. 
Sau khi ông tiên chỉ ở sân đình tung quả Phết lên vòng tròn treo ở trên cao, hội Phết bắt đầu màn tranh tài. Click the image to open in full size. 
Thanh niên trai tráng đua nhau giành quả Phết làm bằng gốc tre, sơn đỏ. Click the image to open in full size. 
Click the image to open in full size.
Những người khỏe, nhanh nhẹn sẽ tìm cách lách qua đám đông.... ... để giành được quả Phết. Người nhặt được quả Phết sẽ được nể trọng vì khỏe mạnh, khôn khéo và cũng là người mang lại may mắn cho dòng họ.Click the image to open in full size. 

Trong khi đó, những người không cướp được Phết thì nằm lả bên bờ ruộng. Click the image to open in full size. 
Thậm chí có người còn bị đám đông đè đến phát ngất.

Thành Hưng Hóa

Thành Hưng Hóa
Thành Hưng Hóa là thủ phủ của đạo thừa tuyên Hưng Hóa, sau này là trấn Hưng Hóa, rồi tỉnh Hưng Hóa. Nó nằm ở ven bờ đầm Dị Nậu thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay, về phía tây nam của thành phố Việt Trì và tây bắc của thị xã Sơn Tây. Ngày 10 tháng 4 năm 1884 (tức 15 tháng 3 âm lịch), tại khu vực thành Hưng Hóa đã diễn ra cuộc giao tranh quyết liệt giữa quân Pháp và liên quân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Hoàng Kế Viêm, Nguyễn Quang Bích với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết:

Năm 1884...Thiếu tướng Brière de l'Isle đem lữ đoàn thứ nhất theo con đường Sơn Tây lên Hưng Hóa, rồi dàn trận ở bên này sông Đà Giang. Hai bên khởi sự đánh nhau từ sáng ngày rằm tháng 3, đến 2 giờ chiều ngày hôm ấy thì quân Pháp sang sông ở chỗ gần địa hạt huyện Bất Bạt. Chín giờ sáng ngày 16, thì thiếu tướng De Négrier đem lữ đoàn thứ nhì tiếp đến, cả hai lữ đoàn cùng hợp lực tiến lên đánh. Quân Tàu và quân Cờ Đen thấy thế không chống được, bèn đốt cả phố xá, rồi bỏ thành Hưng Hóa rút lên mạn ngược. Còn bọn ông Hoàng Kế Viêm thì kéo lên mạn núi, rồi đi đường thượng đạo rút về Kinh. Trưa ngày 17 (tức 12 tháng 4 dương lịch) thì quân Pháp vào thành Hưng Hóa. Lập tức thiếu tá Coronnat đem một toán quân lên đánh phá đồn Vàng. 
Ngày 19 tháng 4 đại quân Pháp rút về Hà Nội, chỉ còn một lực lượng nhỏ ở lại đây.

Ngày 1 tháng 5 năm 1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Hưng Hóa.



Click the image to open in full size.

Click the image to open in full size.
hiện giờ thành hưng hóa nằm trong địa phận của lữ đoàn 543 đóng tại thị trấn Hưng Hóa-Tam Nông hầu như hok còn nguyên vẹn,trong những năm qua người dân Tam Nông đã vận động đóng góp để xây dựng lại cái cột cờ cũ to ngang tầm với HN

Chùa Bồng Lai:

Chùa Bồng Lai: Một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của Phú Thọ

Chùa Bồng Lai thuộc thôn Hà Thạch, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ còn có tên gọi: Chùa Hà Thạch. Tên chữ: “Bồng Lai tự” có từ khi mới khởi dựng và “Bồng Lai thiên tạo” là tên gọi trong dân gian từ lần trùng tu thời Lê Cảnh Hưng (1740-1876).

Chùa Bồng Lai được xây dựng trên một quả đồi có hình dáng một con voi. Từ đây có thể nhìn bao quát bốn phía. Chùa Bồng Lai quay hướng Tây Nam nhìn ra sông Hồng. Đến gần chùa Bồng Lai,
ngay từ đê sông Hồng ta có thể chiêm ngưỡng một hòn đảo “Bồng Lai tiên cảnh” giữa đồng lúa xanh, gần đó là nhà thờ và những nếp nhà cổ kính thấp thoáng sau những đám lá cây cổ thụ, bồng bềnh ẩn hiện giữa nền trời xanh biếc. Chùa có kiến trúc đẹp, ở giữa quả đồi đẹp cao nhất khu vực, như một dấu nối giữa trời và đất, giữa âm và dương. Từ đê bước tới chùa, ta phải leo một con dốc dài mới tới cửa Phật. Một không khí mát mẻ, êm dịu của hương hoa đại, của tán lá cổ thụ tạo nên cảm giác khoan khoái và lắng đọng.

Truyền thuyết dân gian cho rằng chùa Bồng Lai được làm vào đời Trần. Di duệ của lần khởi dựng đó còn một bộ đất nung mang dấu ấn của thời ấy. Tấm bia đá có niên đại Chính Hòa thất thiên (1686) cho biết lần trùng tu lớn này với các công việc chính là làm tòa tiền đường, thiên hương, thiên điện, tạo tượng Thích Ca và các tòa khác.


Di tích “Bồng Lai thiên tạo” được lưu truyền trong nhân dân Hà Thạch gắn liền với tên tuổi của ông Đỗ Nguyên Cảnh, người có công giúp dân dựng chùa. Ông Đỗ Nguyên Cảnh, một vị tướng của Trịnh Doanh, là người Hà Thạch thấy sự rắc rối của làng bèn đem quân về đóng ở Xuân Lũng ông cho gọi các thợ cả đến bàn bạc rồi đêm đến mới điều quân về làng tựu xà xếp cột dựng chùa, chọn hướng Thao Giang (nhìn ra sông Hồng) để tránh việc làng tranh cãi. Ông ra lệnh mỗi đầu xà, đầu cột đều phải đệm vải tấm để việc dựng được nhanh chóng và bí mật. Vì vậy chỉ qua một đêm. Sáng ra dân làng bỗng thấy một ngôi chùa đồ sộ như có phép thần thông biến hóa. Từ đó chùa rất được sự ái mộ của tăng ni phật tử và dân trong vùng, họ đều cho rằng chùa do trời dựng, do vậy chùa được gọi là “Bồng Lai thiên tạo”.
  
Hiện dòng họ nhà Đỗ Nguyên Cảnh con cháu còn giữ được một đại sắc phong cho ông là “Đại nguyên soái”, sắc có niên đại 1741. Theo văn bia, chùa Bồng Lai thời Lê có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc, gồm 36 gian, tượng trưng cho 36 chòm xóm làng Hà Thạch. Trải qua những biến cố của lịch sử xã hội, chùa Bồng Lai đồ sộ bị mai một dần. Đến nay mặt bằng kiến trúc của chùa được bố cục như sau: Ngoài chùa là cổng tam quan làm lại (tam quan cũ bị phá năm 1953) từ cổng theo một lối đi thẳng tắp đến sân chùa lát gạch đỏ rộng 200m2, bên tả sân là ngôi nhà 3 gian mới xây, bên hữu dựng hàng bia đá. Kiến trúc chính của chùa gồm 2 tòa hình chữ đinh, được xây dựng trên nền đất cao nhất.
  
Tiền đường 5 gian dài 14m, rộng 3,1m, mới làm cách đây trên 20 năm, kết cấu kiến trúc kiểu quá giang gối tường bổ trụ. Tòa thứ hai kiến trúc thượng điện 5 gian, dài 13,5 m, rộng 8,7 m. Kết cấu vì kèo của tòa nhà này gồm câu đầu và trụ báng chống nóc. Thượng điện chùa Bồng Lai còn lại tương đối nguyên vẹn các thành phần kiến trúc cũ. Tất cả có 20 cột gỗ lớn nhỏ, cột cái cao 3,6 m, chu vi 1,25 m; cột con cao 2,5 m, chu vi 1,0m; thân cột được sơn son và vẽ hình rồng cuốn. Đáng chú ý là còn hai vì kèo của thế kỷ 17, lần trùng tu lớn thời Chính Hòa.

Đặc biệt trong chùa còn nhiều tảng kê chân cột, chất lượng bằng đá xanh mịn hạt, hình vuông mỗi cạnh 0,4 m, trên mặt trạm khắc một bông sen hai lớp, mỗi lớp 18 cánh, vòng tròn trong cùng là nơi để tiếp xúc với chân cột. Đây là những hòn kê từ lần trùng tu lớn ở thế kỷ 17.
  
Về bệ tượng đất nung chùa Bồng Lai, đã có nhiều tác giả quan tâm và đều cho rằng chúng có niên đại nửa cuối thế kỷ XIV. Đây là chiếc bệ được làm bằng đất nung duy nhất còn lại trên đất Phú Thọ được coi là nghệ thuật trang trí Phật giáo thời đại Lý Trần. Bệ được thiết kế giật cấp 3 tầng.

Kết cấu bệ gồm các viên đất nung có kích cỡ khác nhau được lắp vào nhau, mỗi mặt là một khối hình trang trí nổi, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật bệ đất nung hoàn chỉnh. Các họa tiết trang trí gồm: Hoa cúc, hoa văn cánh sen, hoa hải đường và trang trí hình con ly đang trong tư thế vờn mây. Nhìn chung đây là chiếc bệ đất nung quí hiếm còn sót lại của chùa Bồng Lai.

Chùa Bồng Lai có hơn 200 pho tượng tròn làm  bằng chất liệu gỗ và đất, kỹ thuật tạo dáng đẹp, sơn thếp hài hòa, được bài trí ở 2 tòa trên các bệ xây giật cấp cao dần về phía trong.
  
Các pho tượng chùa Bồng Lai đều được các nghệ nhân tạc với kỹ thuật cao, tràn đầy tâm hồn dù chất lượng bằng gỗ hay đất cũng được phủ sơn nhiều lớp, bên ngoài thếp vàng, thếp bạc cẩn thận, xứng đáng là những pho tượng có tiếng là đẹp xưa nay. Tượng được bài trí cân đối hài hòa từ tòa  tiền đường vào thượng điện. Dáng tượng đẹp, đạt tới trình độ Phật tính cao bởi nghệ thuật tạo tượng còn khá nguyên vẹn của thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Là di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với bệ tượng đất nung, hệ thống tượng thờ, bia và các di tích vật quý khác, khu di tích chùa Bồng Lai là biểu hiện rực rỡ của một thời đại lịch sử phật giáo huy hoàng trênđất nước ta. Chùa Bồng Lai để lại một dấu tích khang trang với quy mô bề thế bên bờ sông Hồng, phong cảnh hữu tình, đã một thời là trung tâm sinh hoạt của cư dân trong vùng.
  
Chùa Bồng Lai đã được Bộ văn hóa thông tin cấp “Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa” cấp quốc gia.
Nguồn: website báo Phú Thọ

Sơ bộ về các lễ hội cũng như phong tục của Phú thọ

Click the image to open in full size.Phú thọ nổi tiếng nhất là quốc giỗ (giỗ tổ Hùng vương) vào ngày 10-03 âm lịch hàng năm.

Ao Giời - Suối Tiên
Click the image to open in full size.Ao Giời - Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê - huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu 15 km, có ưu thế là liền kề với hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.Đường tới Ao Giời - Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm... Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương...Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây. Theo truyền thuyết: "xưa kiachỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời - Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng". Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.Ao Giời - Suối Tiên còn nguyên dạng hoang sơ, có tiềm năng du lịch dồi dào, có thể phát triển các loại hình leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học..

Đền Mẫu Khuôn
Đền Mẫu Khuôn ở phố Sa Đéc, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, xưa kia gọi là xóm Khuôn, động Phú An rồi làng Phú An (tức làng Mè), tỉnh Phú Thọ.Đền Mẫu Khuôn thờ bà mẹ nuôi Kiều Công Thuận từ thuở xã xưa cách ngày nay hàng ngàn năm.Kiều Công Thuận (tức Kiều Thuận) làm quan dưới vương triều Ngô Quyền, sau khi chết, vào năm 970 được vua Đinh Tiên Hoàng ban sắc truy phong là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”, được lập đền thờ ở làng Trù Mật (nay thuộc xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ). Đền Trù Mật còn gọi là đền Lăng vì là nơi mất và nơi yên nghỉ cuối cùng của Kiều Công Thuận. Đền thờ Kiều Công Thuận đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận năm 1999.Theo sách “Lịch sử Việt nam” nhà xuất bản Khoa học xã hội 1971, sách “Lịch sử 100 năm thị xã Phú Thọ” nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2002 và sách “Văn nghệ dân gian Phú Thọ” Sở văn hóa xuất bản 1999 và tục truyền rằng: Kiều Công Thuận là thủ lĩnh xứ quân ở thành Hồi Hồ (Cẩm Khê) thường sang hội kiến với Ma Xuân Trường là động trưởng Phú An (thị xã Phú Thọ ngày nay) để an dân dựng nghiệp. Mỗi lần sang Phú An hội kiến, Kiều Công Thuận phải dừng chân ở xóm Khuôn để chờ thuyền của động trưởng ra đón. Kiều Công Thuận đã được hai mẹ *** cụ ở xóm Khuôn, người họ Ma vai vế thân thích với Ma Xuân Trường hết lòng giúp đỡ. Kiều Công Thuận đã nhận bà cụ họ Ma này là mẹ nuôi và con gái bà cụ là em nuôi.Sau khi mẹ nuôi Kiều Công Thuận qua đời, dân làng Phú An đã lập đền thờ bà tại xóm Khuôn; còn người em nuôi sau khi mất, dân làng lập miếu thờ gọi là “Miếu cô”, cách đền Mẫu Khuôn khoảng 30 mét. Nơi Kiều Công Thuận chờ thuyền động trưởng, dân làng Phú An dựng đình Nhạp (còn gọi là đình Lập) để thờ vọng Kiều Công Thuận, cũng tại xóm Khuôn này.Đền Mẫu Khuôn khi mới dựng bằng bương, tre, gỗ, lá, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến năm 1943 trở thành một ngôi đền cao, to, rộng rãi, bề thế nhất vùng. Đền có phần đại bái và hậu cung. Đại bái có cột gỗ cao, to, mái lập ngói, hậu cung đổ mái bằng kiên cố. Xung quanh đền có hai cây đa to cành lá xum xuê, rễ buông tua tủa, một cây hoa Ngọc Lan và một cây Móng Rồng tỏa hương thơm ngát, một cây khế lá xanh quanh năm, hoa tím rực rỡ, quả sai trĩu cành.Hàng năm, dân làng Phú Thọ làm lễ cầu mở hội ở đền Trù Mật vào ngày 18 tháng Hai và mồng 10 tháng Mười âm lịch đều phải rước kiệu Bát Cống từ đền Trù Mật lên đền Mẫu Khuôn xin chân nhang, rồi rước Kiệu Võng đền Mẫu Khuôn và kiệu Bát Cống về đền Lăng trước khi chính thức làm lễ tế thần, với ý nghĩa là đón mẹ và em nuôi cùng về dự lễ chung vui với Đức đại vương Kiều Công Thuận và dân làng, thể hiện đạo lý thủy chung, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.Ngôi đền Mẫu Khuôn xưa đã bị phá hủy từ năm 1952, khi giặc Pháp tấn công lên thị xã Phú Thọ, nhưng còn lại cây khế đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi là cổ tích rất quý giá của đền.Miếu Cô nay cũng không còn nữa, nhưng còn lại cây Si đại cổ thụ bên cạnh miếu có đến hơn ngàn năm tuổi là chứng tích lịch sử muôn đời và là cây cổ thụ lâu nhất của thị xã, cùng với đền Mẫu Khuôn tạo thành cụm di tích lịch sử - văn hóa tâm linh của tỉnh lỵ Phú Thọ xưa.Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử - văn hóa tâm linh của đền Mẫu Khuôn, nên từ năm 2000 đến nay, anh Đặng Quang Tuấn quê gốc ở Kinh Kệ - Lâm Thao, gia đình lên ở thị xã Phú Thọ từ lâu đời đã mua lại nhà và đất ở khu đền Mẫu Khuôn, rồi đầu tư trí tuệ, công sức và tiền bạc của mình và chủ yếu là tiền công đức của khách thập phương và địa phương đến hành lễ, khôi phục lại di tích ngôi đền xưa trên nền đất cũ, to cao, rộng rãi, khang trang đẹp đẽ, trông rất hoành tráng nhất vùng, với diện tích nội thất khoảng 210 mét vuông. Đền có hậu cung, đại bái, cột gỗ cao, to, sơn son, tường đắp thiên hoa, tiền kẻ hậu bảy, mái lợp ngói mũi kiểu cổ. Nền nhà và sân đền đều lát gạch Bát Tràng màu đỏ au. Cổng đền xây cao to, rộng, tám mái trồng diên. Đồ thờ trong đền phong phú, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Xung quanh đền cây cảnh trông rất hấp dẫn.Từ mấy năm nay, nhất là ngày rằm, mồng một hàng tháng, khách thập phương từ Hà Nội, Việt Trì cùng nhiều nơi khác và đồng bào địa phương thường xuyên đến hành lễ, vãn cảnh đền Mẫu Khuôn. Ngày 10 và 11 tháng 9 âm lịch năm nay, thủ từ đền Mẫu Khuôn đã làm lễ nhập trạch, hoàn thành phần tôn tạo mở rộng ngôi đền có đến hơn ngàn khách thập phương từ phủ Tây Hồ (Hà Nội) cùng các nơi và đồng bào địa phương tấp nập đổ về dự lễ thật đông vui, sống động những nét đẹp văn hóa tâm linh. Đền Mẫu Khuôn di tích lịch sử - văn hóa tâm linh của địa phương cần sớm được quản lý khai thác, trở thành điểm đến của du khách trong hành trình về với vùng đất cội nguồn dân tộc.

Huyền ảo hồ ao châu (Hạ hòa - Phú thọ)

Hồ Ao Châu 99 lạch nước, thơ mộng đến huyền ảo, danh thắng hiếm lạ trên vùng cao huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, có sức thu hút ngày càng đông du khách, nhất là vào mùa hè oi nóng.

Ao Châu mênh mông như một vụng biển lạc vào miền cao giữa bốn bề núi biếc, với gương nước 280 ha điểm xuyết 20 hòn đảo và bán đảo như chuỗi ngọc xanh mướt rừng già, tạo thành 99 lạch nước thông nhau như thể một bàn cờ Tiên tạo hóa vẽ bằng nước biếc.
Giữa các lạch nước quanh co uốn lượn, lại rải rác cơ man là đảo nhỏ, khiến cảnh trí càng đa dạng. Trên con thuyền nhẹ trôi êm giữa trời mây non nước, khách ngợp mình trong hơi gió mát, cảm thấy tâm hồn như trải ra man mác với gương hồ, an tĩnh và thư thái như hơi gió nhẹ.
Giữa mênh mang thiên nhiên, con thuyền như chiếc lá, sắc nước ngời như gương, lấp lóa bóng mây bóng núi, có cảm giác lạc vào xứ mê cung kỳ ảo của miền cổ tích sâu thăm thẳm.
Cổ tích vô cùng giàu có trên Ðất Tổ thì gợi nghĩ suy, liên tưởng đến vô cùng. Này đây, chín mươi chín mạch nước hồ - biển Ao Châu của miền đất có đền Mẫu Âu Cơ. Xa xanh kia là bóng Núi Hùng với 99 đồi núi tượng hình đàn voi chầu về Ðền Tổ. Thiên nhiên xứ sở được tạo hình như là theo lẽ huyền vi cân bằng vĩnh cửu, để trường tồn và sinh sôi vạn thuở, cho tâm tính cư dân nghìn đời ưa chuộng thanh bình, hòa ái, sánh vai mà cùng nhau phát triển.
Thiên nhiên ban tặng những hòn ngọc quý cảnh quan mỹ lệ, như Ao Châu, mà giờ đây dân cả nước và khách nước ngoài tìm đến để thư thái tâm hồn, làm giàu xúc cảm sau hành trình chiêm bái Ðền và Lăng Tổ, không quên ngược lên vùng cao thắp hương đền Mẫu Âu Cơ.
Chính quyền và nhân dân địa phương đón khách bằng việc điểm tô cảnh trí và sắp đặt các dịch vụ, khởi đầu còn đơn sơ, nhưng chan hòa, mến khách. Những mái ngói miếu đền, những dáng nhà tám mái ẩn khuất dưới tán rừng già, rừng thứ sinh, rừng cọ mới trồng trên các đảo mời gọi du khách ghé thuyền lên thưởng ngoạn. Và những vườn vải chín đỏ thoạt nhìn đã nghe vị ngọt lan tỏa nơi chót lưỡi...
Dân trên đảo mừng rỡ đón khách tận chân mép nước, tiếp đãi chân tình, người già thì kể thêm huyền thoại, cổ tích riêng từng đảo, như cả một kho tàng bí ẩn bao đời dành sẵn cho ngày nay làm quà cho du khách...
Ðấy là Ao Châu của hôm nay, thiên nhiên đã có sức sống hồi sinh, xanh trong trở lại, bằng nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền và nhân dân sở tại, sửa chữa sai lầm của cuộc mưu sinh hồ đồ và phát triển thiển cận trên cả một vùng. Bây giờ đã xóa đi dấu vết nhức nhối của nạn phá rừng xóa sạch cả thảm thực vật ven hồ, làm lắng đọng phù sa khiến hồ giảm hẳn độ sâu; của nạn đánh bắt tôm cá ồ ạt, gần như hủy diệt các giống ba ba nước ngọt; của ô nhiễm nước hồ bởi thuốc trừ sâu, phân hóa học từ những đồi bãi ven hồ và từ đồng ruộng các nơi ở đầu nguồn, nhất là từ nhà máy giấy... làm bẩn nước hồ và gây hại các loài thủy tộc...
Gần đây, danh thắng Ao Châu được địa phương nhận thức hết tầm ảnh hưởng của nó đối với đời sống kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái - tiềm năng du lịch, Dự án "Bảo vệ đa dạng sinh học đầm Ao Châu, dựa vào cộng đồng" đã huy động được sức dân tham gia khôi phục và bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, sau năm năm đổ mồ hôi công sức, Ao Châu đã có thể thu hút trở lại khách thăm.
Và nhiều tuyến đường vào sâu trong lòng hồ đang mở, bến thuyền đón khách cũng đã mở ở khu 6 xã Ấm Hạ, xe du lịch đã có thể đưa khách thăm các đồi vải; cầu Hạ Hòa nối liền quốc lộ 32C và quốc lộ 70 đã được khởi công xây dựng, để sớm nối liền hành trình du ngoạn Ðền Mẫu Âu Cơ - Ao Giời Suối Tiên - hồ Ngòi Vần với Ao Châu.
Nguồn: website báo Nhân dân

Huyền bí hang lạng ở xã Xuân sơn - H. Tân sơn - T. Phú thọ



Xuân Sơn (thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) là một địa điểm có nhiều tiềm năng du lịch của đất Tổ Phú Thọ. Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người.

Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Hang Lạng là hang lớn nhất, dài nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn. Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Người ta thả quả bưởi có đánh dấu vào hang lúc sáng thì chiều tối đã thấy nó ở suối Lấp, cùng dãy núi nhưng cách chỗ thả chừng khoảng 20km.

Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét. Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng. Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. Ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.

Hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Cách cửa hang vài giờ đi bộ, đáy hang trở thành suối sâu đến 2 mét nước. Từ đây, người ta có thể tiếp tục soi đuốc, ngồi mảng để thăm thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên, đã tạo dựng nên một kỳ quan để cho con người vui chơi giải trí. Suối nước trong hang có khá nhiều cá măng, cá ngạnh nặng cỡ dăm bảy ký. Loài dơi màu đen đậu nhan nhản trên trần hang.

Ngày xưa, cứ vào mồng bốn tết hàng năm, sau khi cúng cấm (cúng vị thần hang cho phép vào cửa), người dân Mường Lạng lại đốt đèn đốt đuốc đưa nhau vào sâu trong hang, chọn bãi rộng để ném còn, hát rang, hát ống, đánh trống đá, đàn đá, những "nhạc cụ" do thiên nhiên tạo ra.

Hang Lạng không những có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ bí mà nó còn hấp dẫn du khách bởi những truyền thuyết đầy huyền bí. Từ xa xưa, dân làng Xuân Sơn đã thờ thần hang Lạng. Thần là con rắn hoá thân thành chàng trai tuấn tú vẫn thường đến giúp việc nhà Thổ Lang xóm Lạng. Nhiều hôm chàng giúp nàng Bạch, con gái Thổ Lang cấy lúa trên những thửa ruộng ở đồng Lạng. Chàng nhổ mạ, cấy gặt nhanh hơn hết thảy mọi người. Dần dà, nàng Bạch đem lòng yêu mến chàng. Một hôm, ăn uống xong, chàng lên giường trùm chăn ngủ. Do ngủ say, vô tình cựa quậy chàng để hở ra ngoài chăn nguyên hình hài một con rắn trắng. Quan Thổ Lang xua đuổi con rắn trắng ra khỏi nhà, nhắc nhở con gái tránh bị rắn hoá thành người lừa lọc cám dỗ. Một hôm, nàng dệt vải, con sợi rơi lăn mãi xuống ao sâu. Nàng ra ao vớt con sợi về thì bị ốm chết.

Quan Thổ Lang biết con gái mình đã bị rắn bắt đi làm vợ. Dân làng phải đem xác nàng Bạch chôn cao trên đỉnh núi Ten để rắn không lấy được xác nàng đi. Nhưng rồi rắn làm mây mưa tầm tã rạch ngang dọc núi Ten thành sông thành suối để chở xác vợ về hang Lạng sống với mình. Từ đấy, người ta phải cúng rắn thần và nàng Bạch, cầu phù hộ cho mưa gió thuận hoà để có nước cày cấy. Hang Lạng được coi là Thủy cung của thần bảo hộ xóm Lạng. Sau này, người ta mới dựng đình Lạng để các ngày lễ có nơi cầu tế thần phù hộ cho dân khang vật thịnh. Rắn và nàng Bạch từ lâu đã là Thành hoàng của người Xuân Sơn. Giống như nhiều làng Việt, Thành hoàng đều có đền, miếu yên tĩnh để nghỉ ngơi. Miếu thờ Thành hoàng cũng có ban thờ để các ngày sóc, vọng, ông từ của các làng người Kinh, ông mo của các làng người Mường thắp hương cúng thần. Hàng năm vào các ngày tiệc lớn, người ta mới rước thần từ miếu ra đình để cầu tế. Làm xong lại rước thần về ngự ở miếu cũ. Hang Lạng cũng như miếu của làng Việt, là nơi thần ở. Thần là loài sống ở dưới nước nên gọi hang Lạng là Thủy cung. Các ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm) hàng tháng, ông mo lại vào hang thắp hương cúng thần. Chỉ các ngày tiệc của làng: lễ cầu mùa, lễ mở cửa rừng, ngày kỵ của vợ thần... người ta mới tổ chức tế lễ ở đình Lạng. Lễ cúng thần bao giờ cũng có gạo và trứng. Gạo là sản phẩm của lúa nước, là âm tính thuộc về thế giới của loài rắn sống dưới nước. Còn trứng biểu tượng cho chim ở trên rừng thuộc về dương. Truyền thuyết thần hang Lạng và tục thờ cũng của người Mường Xuân Sơn phản ánh tư duy thần thoại của tộc người Việt cổ làm lúa nước sống ở vùng Xuân Sơn này. Thần tích này cùng mô típ với thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ khác ở chỗ là nó xuất hiện ở thời kỳ hình thái đã phát triển khá cao, có hôn nhân một vợ một chồng, chế độ mẫu hệ đã bàn giao quyền sang cho người đàn ông. Vợ phải sang ở nhà chồng. Ở đây nàng Bạch đã phải sang Thủy cung sống với chồng là con rắn trắng.

Giải mã truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và thần Lạng, Thành hoàng làng Mường Xuân Sơn chúng ta sẽ thấy được đôi phần xã hội thời đại Hùng Vương, những quan niệm của cư dân Lạc Việt và tinh thần con người thời đại đó đã ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Việt ở tận nơi thâm sơn cùng cốc này. Huyền thoại hang Lạng đã làm cho tâm hồn các thế hệ người dân Xuân Sơn trường tồn trong lịch sử dài dặc của dân tộc Việt. Hãy gìn giữ thần thoại ấy thành di sản văn hoá làm món quà quý báu dâng cho du khách mai này khi Xuân Sơn trở thành vườn cấm quốc gia, một thắng cảnh kỳ thú, một khu du lịch hiếm hoi ở vùng đất Tổ, nơi Vua Hùng dựng nước.
Sưu tầm