Ao Giời - Suối Tiên
Ao Giời - Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê - huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách Ao Châu 15 km, có ưu thế là liền kề với hệ thống đường bộ, đường thuỷ, đường sắt.Đường tới Ao Giời - Suối Tiên hai bên có hàng trăm đỉnh núi lớn, nhỏ có độ cao trung bình từ 500-600 m so với mặt biển. Với đỉnh cao 1.200m, núi Nả cao vượt lên sừng sững, trông thật hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn, được phủ một màu xanh dày đặc của các loài cây nhiệt đới, chen chúc nhau tầng tầng, lớp lớp với khá nhiều loài cây quí hiếm như đinh, lim, gụ, vàng tâm... Trong rừng còn có các bầy khỉ, nai, hoẵng, lợn rừng, cầy hương...Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Với chiều dài hơn 10 km, lòng suối dày kín lớp sỏi đá và cát vàng làm cho nước suối được thanh lọc tinh khiết, trong vắt, lấp lánh ánh mặt trời phản chiếu. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối Tiên quanh co chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Suốt chiều dài con suối có tới 14 thác nước, trong đó có một số thác cao 20m, tựa những tấm màn the trắng xoá, che các hang, hốc đá phía trong. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây. Theo truyền thuyết: "xưa kiachỉ có Giếng Tiên, hàng ngày có các nàng tiên thường tới đây tắm mát, Ngọc Hoàng đã cho nước giếng dâng lên tạo thành các thác nước đổ xuống, lâu dần tạo thêm các ao. Ai được tắm ở Ao Giời - Suối Tiên trong 3 năm sẽ có làn da trắng mịn như ngọc, khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm, tâm hồn thư thái, sáng láng". Có lẽ, chính vì vậy Suối Tiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, nhất là vào các ngày hè nóng nực, thường có hàng trăm lượt người đến đây tắm mát, nghỉ ngơi, vãn cảnh.Ao Giời - Suối Tiên còn nguyên dạng hoang sơ, có tiềm năng du lịch dồi dào, có thể phát triển các loại hình leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học..
Đền Mẫu Khuôn
Đền Mẫu Khuôn ở phố Sa Đéc, phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, xưa kia gọi là xóm Khuôn, động Phú An rồi làng Phú An (tức làng Mè), tỉnh Phú Thọ.Đền Mẫu Khuôn thờ bà mẹ nuôi Kiều Công Thuận từ thuở xã xưa cách ngày nay hàng ngàn năm.Kiều Công Thuận (tức Kiều Thuận) làm quan dưới vương triều Ngô Quyền, sau khi chết, vào năm 970 được vua Đinh Tiên Hoàng ban sắc truy phong là “Cương nghị đại vương thượng đẳng thần”, được lập đền thờ ở làng Trù Mật (nay thuộc xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ). Đền Trù Mật còn gọi là đền Lăng vì là nơi mất và nơi yên nghỉ cuối cùng của Kiều Công Thuận. Đền thờ Kiều Công Thuận đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận năm 1999.Theo sách “Lịch sử Việt nam” nhà xuất bản Khoa học xã hội 1971, sách “Lịch sử 100 năm thị xã Phú Thọ” nhà xuất bản Chính trị quốc gia 2002 và sách “Văn nghệ dân gian Phú Thọ” Sở văn hóa xuất bản 1999 và tục truyền rằng: Kiều Công Thuận là thủ lĩnh xứ quân ở thành Hồi Hồ (Cẩm Khê) thường sang hội kiến với Ma Xuân Trường là động trưởng Phú An (thị xã Phú Thọ ngày nay) để an dân dựng nghiệp. Mỗi lần sang Phú An hội kiến, Kiều Công Thuận phải dừng chân ở xóm Khuôn để chờ thuyền của động trưởng ra đón. Kiều Công Thuận đã được hai mẹ *** cụ ở xóm Khuôn, người họ Ma vai vế thân thích với Ma Xuân Trường hết lòng giúp đỡ. Kiều Công Thuận đã nhận bà cụ họ Ma này là mẹ nuôi và con gái bà cụ là em nuôi.Sau khi mẹ nuôi Kiều Công Thuận qua đời, dân làng Phú An đã lập đền thờ bà tại xóm Khuôn; còn người em nuôi sau khi mất, dân làng lập miếu thờ gọi là “Miếu cô”, cách đền Mẫu Khuôn khoảng 30 mét. Nơi Kiều Công Thuận chờ thuyền động trưởng, dân làng Phú An dựng đình Nhạp (còn gọi là đình Lập) để thờ vọng Kiều Công Thuận, cũng tại xóm Khuôn này.Đền Mẫu Khuôn khi mới dựng bằng bương, tre, gỗ, lá, qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến năm 1943 trở thành một ngôi đền cao, to, rộng rãi, bề thế nhất vùng. Đền có phần đại bái và hậu cung. Đại bái có cột gỗ cao, to, mái lập ngói, hậu cung đổ mái bằng kiên cố. Xung quanh đền có hai cây đa to cành lá xum xuê, rễ buông tua tủa, một cây hoa Ngọc Lan và một cây Móng Rồng tỏa hương thơm ngát, một cây khế lá xanh quanh năm, hoa tím rực rỡ, quả sai trĩu cành.Hàng năm, dân làng Phú Thọ làm lễ cầu mở hội ở đền Trù Mật vào ngày 18 tháng Hai và mồng 10 tháng Mười âm lịch đều phải rước kiệu Bát Cống từ đền Trù Mật lên đền Mẫu Khuôn xin chân nhang, rồi rước Kiệu Võng đền Mẫu Khuôn và kiệu Bát Cống về đền Lăng trước khi chính thức làm lễ tế thần, với ý nghĩa là đón mẹ và em nuôi cùng về dự lễ chung vui với Đức đại vương Kiều Công Thuận và dân làng, thể hiện đạo lý thủy chung, uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.Ngôi đền Mẫu Khuôn xưa đã bị phá hủy từ năm 1952, khi giặc Pháp tấn công lên thị xã Phú Thọ, nhưng còn lại cây khế đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi là cổ tích rất quý giá của đền.Miếu Cô nay cũng không còn nữa, nhưng còn lại cây Si đại cổ thụ bên cạnh miếu có đến hơn ngàn năm tuổi là chứng tích lịch sử muôn đời và là cây cổ thụ lâu nhất của thị xã, cùng với đền Mẫu Khuôn tạo thành cụm di tích lịch sử - văn hóa tâm linh của tỉnh lỵ Phú Thọ xưa.Tìm hiểu ý nghĩa lịch sử - văn hóa tâm linh của đền Mẫu Khuôn, nên từ năm 2000 đến nay, anh Đặng Quang Tuấn quê gốc ở Kinh Kệ - Lâm Thao, gia đình lên ở thị xã Phú Thọ từ lâu đời đã mua lại nhà và đất ở khu đền Mẫu Khuôn, rồi đầu tư trí tuệ, công sức và tiền bạc của mình và chủ yếu là tiền công đức của khách thập phương và địa phương đến hành lễ, khôi phục lại di tích ngôi đền xưa trên nền đất cũ, to cao, rộng rãi, khang trang đẹp đẽ, trông rất hoành tráng nhất vùng, với diện tích nội thất khoảng 210 mét vuông. Đền có hậu cung, đại bái, cột gỗ cao, to, sơn son, tường đắp thiên hoa, tiền kẻ hậu bảy, mái lợp ngói mũi kiểu cổ. Nền nhà và sân đền đều lát gạch Bát Tràng màu đỏ au. Cổng đền xây cao to, rộng, tám mái trồng diên. Đồ thờ trong đền phong phú, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Xung quanh đền cây cảnh trông rất hấp dẫn.Từ mấy năm nay, nhất là ngày rằm, mồng một hàng tháng, khách thập phương từ Hà Nội, Việt Trì cùng nhiều nơi khác và đồng bào địa phương thường xuyên đến hành lễ, vãn cảnh đền Mẫu Khuôn. Ngày 10 và 11 tháng 9 âm lịch năm nay, thủ từ đền Mẫu Khuôn đã làm lễ nhập trạch, hoàn thành phần tôn tạo mở rộng ngôi đền có đến hơn ngàn khách thập phương từ phủ Tây Hồ (Hà Nội) cùng các nơi và đồng bào địa phương tấp nập đổ về dự lễ thật đông vui, sống động những nét đẹp văn hóa tâm linh. Đền Mẫu Khuôn di tích lịch sử - văn hóa tâm linh của địa phương cần sớm được quản lý khai thác, trở thành điểm đến của du khách trong hành trình về với vùng đất cội nguồn dân tộc.